Chúng ta rất trân trọng những tri thức mà các bậc tiền nhân để lại, nhưng không phải vì thế mà ta không thử nghĩ khác đi, thử nhìn nhận vấn đề theo một góc độ khác đi để làm phong phú thêm những hiểu biết của chúng ta về thế giới tự nhiên. Tôi không có ý định làm phức tạp thêm vấn đề, nhưng cũng không thể làm đơn giản chúng. Tôi chỉ nỗ lực để chúng ta có thể nhìn vũ trụ như nó vốn có, nhìn đúng bản chất thế giới tự nhiên để tồn tại và phát triển.
Các thuyết vạn vật hấp dẫn, tương đối, lượng tử… chúng ta dùng nó để giải thích cho cả vũ trụ nhưng tôi cho rằng: nó không giải thích được những hiện tượng trong cái nồi canh cà nhà tôi. Sự đảo lộn qua lại, nhào trộn hỗn độn của các nguyên liệu và gia vị bên trong đó – một hiện tượng hoàn toàn vật lý.
***
Vật lý là một ngành khoa học mà chúng ta dùng nhận thức của mình để xây dựng lên các lý thuyết giải thích các hiện tượng của thế giới tự nhiên, từ xung quanh ta đến xa xôi trong vũ trụ. Nhưng vật lý nói riêng và khoa học nói chung - trong khuôn khổ của chúng - lại tự chứng minh sự hạn chế của mình, chính vì vậy mà ai cũng có quyền đưa ra quan niệm của mình về tự nhiên và tự do trao đổi Các quan niệm này. Đó là quyền được đưa ra giả thiết và chia sẻ để tạo cho nhau niềm vui trong cuộc sống, cùng nhau tiến bộ trên con đường nghiên cứu khoa học.
Chúng ta nghiên cứu tự nhiên nhưng lại với mong muốn rất “con người”. Chúng ta thích những gì trơn tru, tròn trịa… Nói một cách ví von là "có hậu". Người ta thích một mẫu vũ trụ luân hồi, muốn tổng năng lượng vũ trụ bằng không (0)… Tức là chúng ta dùng lý trí nghiên cứu tự nhiên, nhưng quá trình đó luôn bị chi phố bởi tình cảm.
Lý trí giúp ta đặt ra những câu hỏi để tiếp cận vấn đề, và để trả lời chúng, không còn cách nào khác ngoài nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ, so sánh, truy vấn, chiêm nghiệm... Ví như khi các nhà khoa học cho rằng tổng năng lượng của vũ trụ bằng 0, sẽ có câu hỏi “Tại sao lại bằng 0 mà không bằng một số nào khác?” được đặt ra. Cũng như thể thuyết Bigbang phải trả lời cho câu hỏi thế trước Bigbang là gì ? Sẽ luôn có những câu hỏi liên hồi như thế, ta phải chấp nhận và liên tục trả lời. Điểm biên của không gian? Điểm biên của thời gian?
***
Đây là lý thuyết nỗ lực khắc phục các vấn đề đang còn tồn tại của ngành vật lý. Để tiến lên, nên có vài vấn đề tôi cần có cách tiếp cận khác, mong là sẽ nhận được phản biện của người có cùng chung niềm đam mê. Tôn chỉ của tôi là: cẩn trọng, cầu thị, tôn trọng chân lý khách quan và cùng nhau tiến bộ. Khoa học chân chính không chỉ cần con người ta nỗ lực trong cô độc, mà còn cần các chủ thể của các lý thuyết phải dũng cảm từ bỏ khi biết mình đã sai.
Một tư tưởng mà không mang đi trao đổi là một tư tưởng tù túng. Tôi thà mang tiếng là "ngông cuồng" khi mang đi trao đổi lý thuyết này – rồi nhận được sự phản biện của một cao nhân làm tôi hiểu rằng sự ngông cuồng ấy là ngu ngốc – còn hơn là ôm sự ngông cuồng ấy đến cuối cuộc đời mình.
Dù muốn hay không thì tôi cũng đã mang trong mình những suy nghĩ trên. Quan niệm mới này không hiểu từ đâu và vì sao lại đến với tôi, nhưng rõ ràng không phải tự dưng các con chữ chạy ra và ghép lại với nhau để thành bài viết này – do tôi làm cả – tôi không phủ nhận điều đó. Bởi viết ra – theo một cách nào đó – là thoát khỏi sự ám ảnh của nó, là chối bỏ nó để giải phóng mình. Cuộc sống phía trước còn rộng lớn bao la...
Xin cảm ơn!