Từ rất lâu rồi loài người chúng ta luôn mơ ước sẽ xây dựng được một lý thuyết tổng quát, có thể giải thích được cho tất cả các hiện tượng đang xảy ra và tiên đoán đúng các hiện tượng sẽ xảy ra trong tương lai. Không cần phải nói chắc các bạn cũng hiểu tầm quan trọng và những đóng góp của nó khi nó được hoàn thành. Chả thế mà tôi đã nghe thấy người ta nói rằng Einstein đã bỏ đến 30 năm cuối đời ông để xây dựng nó mà không thành.
Có người cho rằng, mỗi một lý thuyết chúng ta đang có đã giải thích được cho một loạt các hiện tượng. Tập hợp chúng lại có lẽ sẽ giải thích được khá nhiều thứ. Dù sự tập hợp này sẽ rất phức tạp trong cách lựa chọn ngôn từ để phát biểu, nhưng bù lại việc đó sẽ cho chúng ta một lý thuyết tương đối hoàn chỉnh. Có thể chúng ta đang dần tiến tới cơ hội để xây dựng được một lý thuyết bao hàm tất cả.
Người khác thì lại cho rằng những gì chúng ta cần chúng ta đều có trong tay rồi. Bằng chứng là khoa học kỹ thuật với những lý thuyết của mình đã có đấy đủ các công cụ trong tay khi đưa loài người chúng ta đến được nền văn minh đang có. Chúng ta cứ mải miết đi tìm lý thuyết tất cả làm gì? Mà giả như có tìm được chưa chắc nó đã có đóng góp được gì thêm cho nhân loại.
Nhưng bản chất con người là thế, trí tò mò đưa chúng ta đến đây và trí tò mò sẽ dẫn chúng ta đi tiếp nữa… Chúng ta sẽ không thể cưỡng lại cái ý muốn tìm ra lý thuyết vật lý tổng quát, cho dù có thể nó không đóng góp gì thêm cho sự phát triển của nhân loại. Bởi vì cái chúng ta cần là một cái đúng cho mọi thứ.
Chúng ta đều biết một lý thuyết được gọi là lý thuyết khoa học khi nó giải thích và tiên đoán đúng cho các hiện tượng. Khi giải thích đúng và khi các hiện tượng mới xảy ra đúng với những tiên đoán thì học thuyết đó tồn tại. Khi phát hiện ra những hiện tượng không còn đúng với tiên đoán, ta cần đưa ra lý thuyết khác phù hợp hơn.
Những người trước Newton tôi không bàn đến nữa vì sự ảnh hưởng của họ đến ngày nay không còn nhiều. Còn từ Newton cho đến Einstein tôi đế ý thấy bản chất của vấn đề vẫn thế. Hiện tượng hấp dẫn vẫn vậy, chỉ có hình thức chuyển từ “vật hút vật” thành “điểm hút điểm” mà thôi. Khi chúng ta phát hiện ra được là photon – hạt ánh sáng không có khối lượng nhưng vẫn bị hút bởi trường hấp dẫn, Einstein đã giải thích “giúp” Newton rằng đó là điểm hấp dẫn điểm… Nhiều cách tiếp cận vấn đề của Einstein rất khác với Newton. Bằng cách đưa ra những “người quan sát” ở các góc độ khác nhau, Einstein đưa ra những cách nhìn khác nhau về một hiện tượng, giúp chúng ta hiểu vấn đề được toàn diện hơn. Nhìn ra sự tương đối của không gian và thời gian.
Nghĩa là một lý thuyết mới ra đời không thể thay đổi được bản chất hiện tượng. Mà là nó thay đổi cách nhìn nhận… về hiện tượng đó. Rõ ràng những hiện tượng, mà trực quan con người chúng ta quan sát thấy, đều đã được khoa học giải thích một cách khá đầy đủ. Xưa nay nó không hề thay đổi, đúng hơn là không thể thay đổi, vì đó là thực tế, đó là những chân lý của khoa học tự nhiên. Tức là các hiện tượng xảy ra trong thực tế phải luôn đúng, thực tế không thể thay đổi, chỉ có các lý thuyết thay đổi mà thôi. Và khi quan sát được những hiện tượng mới không đúng với những gì mà lý thuyết hiện tại tiên đoán, hay đã tìm mọi cách để giải thích nhưng vẫn không phù hợp, lúc đó ta mới cần một thuyết mới. Và tôi cũng không tin thuyết mới này sẽ làm thay đổi bản chất của hiện tượng, như những gì mà chúng ta vẫn thấy về chúng.
Định lý Godel phát biểu rằng: “Không thể xây dựng nên một lý thuyết trên nền tảng của các phương pháp luận có thể chứa đầy đủ và trọn vẹn các chân lý”. Vì khoa học trong phạm vi các phương pháp luận, tự chứng minh được sự hạn chế của mình. Nghĩa là bao giờ cũng còn có những điều mà một lý thuyết đó không thể chứng minh được vì bất kỳ một lý thuyết nào khi được con người xây dựng lên đều phản ánh một tình huống nhất định của nhận thức, từ bên trong một tình huống không thể hiểu hết mọi chuyện về tình huống đó. Chỉ khi đứng ngoài tình huống đó thì mới có thể nhìn thấu bên trong nó.