Hiện trạng các ngành khoa học

Khoa học – trong khuôn khổ bài viết này là vật lý – ngày càng trở nên khó hiểu. Nó đang dần bỏ xa số đông đến mức trên thế giới này chỉ có vài chục người thực sự hiểu được các phép toán – mà theo họ – là bí quyết của tự nhiên. Nó còn rộng lớn đến nỗi, ngay cả những chuyên gia cũng không thể nắm bắt hết được lượng kiến thức trong của ngành mình.

Càng nghiên cứu người ta càng thấy thế giới vật chất vô cùng vô tận. Càng nghiên cứu người ta lại càng thấy còn có rất nhiều việc phải làm… Có những bài toán, có những thí nghiệm mà hàng chục thậm chí hàng trăm năm mới giải hay có kết quả được… Với sự hạn chế đó mà có một số người thực dụng, phần vì nản lòng, phần vì cuộc sống thôi thúc đã bỏ ngành Vật lý mà đi, để lại khối lượng công việc khổng lồ cho những nhà chuyên môn cần mẫn. Một số người thì lại dùng đến những phát ngôn mơ hồ của tôn giáo để giải thích cho những câu hỏi chưa thể trả lời. Một số khác khôn ngoan hơn đợi chờ trong im lặng…

Có một điều lý thú là hình như có một sự liên quan nào đó giữa các nghành khoa học với nhau. Không chỉ đơn thuần là sự giống nhau giữa các tư duy logic của chúng, mà có một mối liên hệ rất thực tiễn đến mức dường như có một học thuyết có thể giải thích được cho tất cả. Ví dụ như vui buồn chẳng qua cũng chỉ là những phản ứng hoá học xảy ra ở trong não, sự vận động của các hạt siêu nhỏ. Hay thị giác chẳng qua là phản ứng hoá học giữa võng mạc của mắt và ánh sáng, một loại sóng điện từ…

Cứ mỗi lần phát triển được một lý thuyết mới, người ta lại đưa ra một loạt những khái niệm mới. Những khái niệm mới này có phù hợp với cái cũ hay không người ta không để ý lắm, vì chúng là nghiệm của những phương trình toán học rất logic. Nghĩa là chúng được bênh vực bằng các phép toán rất chặt chẽ, mà những người bình thường cần phải cần học vài năm mới hiểu được. Và cứ mỗi lần như thế, các nhà vật lý lại yêu cầu quần chúng phải làm quen với các khái niệm mới, bất kể họ có lĩnh hội được chúng không, họ hiểu được đến đâu, hay có sự hoang mang nào chiếm lĩnh họ không khi những nếp nghĩ trong lành bị đảo lộn. Trào lưu này đang thịnh hành như một cái mốt của thời đại.

Tuy đã có được những học thuyết khá đầy đủ để giải thích cho các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên, nhưng các nhà vật lý vẫn chưa hẳn hài lòng. Vẫn còn những bong bóng – sủi tăm nào đó gợn lên trong họ như thể có một vết ngứa nào đó nhưng mà không biết chỗ để mà gãi. Đó những câu hỏi chưa trả lời được, những hiện tượng chưa giải thích được, thậm chí còn nhiều vấn đề mang tính logic rất cơ bản không trả lời được như: tại sao các hạt cơ bản lại nặng chừng này và tại sao các lực cơ bản lại có độ lớn chừng đó…

Quan niệm về tự nhiên thì mỗi người có một cách khác nhau. Quan niệm này được hình thành trên những kiến thức, suy nghĩ và tình cảm của họ. Mà đã nói đến tình cảm thì là mang tính phi khoa học rồi, vì tình cảm thì không thể xác định chính xác được và tình cảm thì không ai giống ai… Hẳn nhiên, hiểu biết về tự nhiên của một nhà khoa học thì đúng đắn hơn một người bình thường. Nhưng không phải vì thế mà ông ta lại mang quan niệm của mình áp đặt cho những người khác, nhất là trong điều kiện của nền vật lý hiện tại, càng phát triển người ta lại càng phát hiện ra các hiện tượng ly kỳ, các đại lượng mới không thể giải thích được. Phải chăng đó chính là lý do để tôn giáo và nghệ thuật tồn tại ?

Tôn giáo thì lại là một vấn đề của đức tin thuần tuý. Một nhà khoa học vẫn có thể tin vào Chúa, mà không lo ai đó báng bổ gì mình. Một nhà nghệ thuật có thể tuỳ ý sáng tác một tác phẩm viễn tưởng khác xa thực tế, mà anh ta có thể lý luận rằng trong một trường hợp lý thú nào đó, thế giới do anh ta sáng tạo ra cũng có thể có thực.